Dạy con trẻ và suy tư về cách giáo dục
Vừa học vừa chơi - Một cách học dễ dàng mà vừa khuyến khích bé học, vừa ghi nhớ theo cách tự nhiên giúp bé nhớ lâu. Những hình ảnh và hoạt động khác nhau lặp đi lặp lại xoay quanh bảng chữ cái và ghép thành chữ, trẻ học một cách tự nhiên và tự hình thành cách tiếp thu tự nhiên.
Hoàng An - con tôi không hề được học bài bản theo thứ tự gì đâu. Cứ thích gì thì học đó. Tiếp theo là thắc mắc gì giải đáp đó. Thế mà bé biết đọc từ rất sớm (Không phải để khoe con nhưng tôi chỉ có con là gần nhất để nói về trẻ).
Nhiều khi không nghĩ ra được tại sao bé biết đọc, tự đánh vần tự ghép chữ và tự đoán đọc chữ đó ra. Em gặp khó khăn lại giải thích thêm một ít nhưng luôn để em tự đọc chữ ra trước (Có rất nhiều điều thú vị khi em đọc sai nhưng thấy được cả một sự sáng tạo). Chỉ khi sai mới góp ý sửa thêm. Từ đó mới thấy sự sáng tạo trong tư duy của trẻ. Bộ óc tự vận hành và hình thành một quy luật mà nó tự hình thành được. Thật là kinh ngạc.
Vậy điều gì đáng nói ở đây? Hãy cho trẻ khám phá và học theo từ những ý thích của chúng và hướng theo cách có lợi là học.
Hoàng An rất thích xe từ nhỏ. Khi bạn tham gia giao thông thì hỏi từng loại xe, biết các thương hiệu rồi được ba nói thêm và bắt thử đọc các chữ thương hiệu xe. Sau đó thì lại tất cả những chữ trên xe có ghi. Các biển báo bạn cũng thắc mắc. Còn coi TV thì cũng chọn xe và hướng là mở những Videos mà có thiên hướng về học chữ kể cả tiếng Anh.
Như vậy vừa học vừa chơi thật là hiệu quả. Học dễ, nhanh lại nhẹ nhàng tiếp thu. Bé lại tư suy sáng tạo nữa.
Không nhất thiết phải học theo thứ tự chữ A rồi tới chữ B. Có thể là hệ thống chữ cái rồi lại nói cho biết có thứ tự ABC để sau biết áp dụng tra từ điển hay đôi lúc phải theo trật tự đó mà thôi.
Bé chỉ cần biết có ghép chữ. Bé cứ ghép bất kỳ, đọc ra được dù chữ chưa đúng và không có thực. Nhưng đó là cấu thành ban đầu của chữ. Bé sẽ tự nhận ra ghép được nhưng không có chữ đó và chưa có nghĩa gì. Điều bé học được ở đây là chữ hình thành do ghép chữ cái lại với nhau. Bài học lớn đó và lại rất sáng tạo.
Chắc còn nhiều điều cha mẹ cũng rất kinh ngạc như tôi đây thôi. Hãy cùng chơi với trẻ để học được từ chúng. :) Phải chăng cái tôi cho con chắc ở chỗ tôi đã thoát ra được tư duy kìm kẹp của hệ thống giáo dục cũ xưa mà tôi đã trải qua sau khi đi làm và tiếp xúc với bạn bè các nước xung quanh. Tôi lại sợ nhất câu nói của các cô thầy khi bị cô thầy phàn nàn về con mình "Không ép buộc và có trật tự không thể đứng lớp được. Không thể quản lý được lớp hơn 40 em. Em ấy cứ muốn nói là nói.". Xét thì câu nói không sai về thực tế cô đang phụ trách nhưng có thể nó đã sai ở cả hệ thống. Hay thử nhìn xem một số phương pháp giáo dục của các trường tư quốc tế. Cũng trải qua tất cả mục tiêu đạt thành tích và mục tiêu giáo dục nhưng cách tiếp cận và hướng đi mới đẹp làm sao.
Thay vì "Im không được nói chuyện hay phát biểu linh tinh" thì có thể là "Em nghĩ sao? Em cứ nói theo suy nghĩ của mình". Giải ra một bài toán có đáp số đúng là mục tiêu của bài toán. Còn phương pháp, cách thức phải là nhiều nhất có thể. Bé sẽ giải thích cho cách bé làm. Nếu đúng phải thật hoan nghênh. Nếu sáng tạo còn phải cho thêm điểm cộng về sáng tạo. Phải bỏ ngày tư duy "em làm không đúng phương pháp tuy đáp số đúng. Điểm của em bị trừ đi hoặc thậm chí không cho điểm bài toán đó". Thật là vô lý nếu chúng ta vẫn cứ phải theo khuôn. Chắc chắn sống phải có luật pháp. Học phải có nội quy. Điều cốt lõi luôn đạt được nhưng phương thức phải thật uyển chuyển và sáng tạo. Không phải cứ khoanh tay cúi đầu chào là lễ phép. Đó phải chăng mới chỉ là hình thức, khô cứng, làm vì sợ hoặc là thói quen áp đặt. Nếu thâm sâu các em được hiểu, phải tôn trọng nhau, phải lễ phép, phải ý thức về vệ sinh chung môi trường chung, phải tôn trọng quyền lợi trước sau - xếp hàng thì còn đạt được một mục tiêu lớn hơn về giao dục tâm hồn.
Nói chuyện với người lớn hơn mình đầu vẫn ngẩng, miệng cười, được nói ra theo suy nghĩ, được sáng tạo, được là chính bản thân, là một thành viên, là một đối trọng. Còn thành văn thì phải thể hiện sự tôn trọng dù đó là người lớn hay nhỏ hơn. Có thê theo quan điểm Á Đông ta phải thật thành kính hơn đối với người đối diện lớn tuổi hơn mình.
Tôi không phải nhà văn, một triết gia để nói ra được những điều tôi mong muốn về giáo dục và cải cách, nhưng mong cũng diễn đạt được thành ý và mong muốn của mình. Mọi người đọc và hiểu được ý tốt. Đất nước đang trong quá trình hội nhập và hừng hực nhịp sống, chúng ta hãy mở lòng, tiếp thu những cái mới tinh tuý của nhân loại, là cái hay và việc này đồng nghĩa với lại phải vượt qua chính mình về những tư duy bảo thủ. Có khi còn phải sửa lại nhiều khái niệm ví dụ thế nào là "lễ phép", thế nào là "học giỏi hay tài năng" và nhiều nữa.
Trải lòng với những suy tư như vậy về giáo dục. Mong được ủng hộ hoặc ném đá nhẹ tay. :)
Chân thành
Nguyễn Khải Hoàng
Nhận xét
Đăng nhận xét
Xin chào, mời các bạn bình luận